Giải bóng đá vô địch quốc gia (V-League) đã bán được gói bản quyền truyền hình mới kéo dài 4 năm với từng năm là gần 60 tỉ đồng.
Nhìn vào con số đó, tất cả nhà tổ chức các giải thể thao trong nước ở giải thuộc hệ thống thi đấu quốc gia đều ngưỡng mộ vì tính tới lúc này, số tiền bản quyền truyền hình như vậy là lịch sử.
Người hâm mộ bóng chuyền trong nước ở Việt Nam thời điểm 3 năm gần đây đã được xem các giải đấu trực tiếp trên truyền hình thường xuyên hơn. Các kênh sóng của truyền hình cáp Việt Nam – VTVCab phát trực tiếp liên tục các giải thuộc hệ thống thi đấu bóng chuyền quốc gia từ vô địch quốc gia, giải trẻ toàn quốc, giải trẻ các CLB toàn quốc, giải hạng A toàn quốc và thậm chí một số giải cúp giao hữu.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi Liên đoàn bóng chuyền đã bắt đầu có nguồn thu từ bản quyền truyền hình khi nhà đài tham gia vào công tác truyền hình trực tiếp giải đấu hay chưa, Tổng thư ký Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam – ông Lê Trí Trường cho biết “hiện việc phối hợp vẫn đang là miễn phí các giải đấu và đơn vị VTVCab làm truyền hình trực tiếp các giải nhằm phục vụ khán giả, đưa giải đấu tới nhiều hơn cho người hâm mộ theo dõi”. Điều ấy đồng nghĩa, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam chưa thu được nguồn lợi kinh tế nào (?).
Cũng theo ông Trường, trước đây, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam từng bán được bản quyền truyền hình với trị giá khoảng 500 triệu đồng/năm cho Đài truyền hình kỹ thuật số - VTC để tường thuật trực tiếp giải. Tuy nhiên, mọi người đều hiểu rằng khoản 500 triệu đồng một phần được thực hiện khi đó là vì đơn vị VTC có đại diện là ủy viên ban chấp hành của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam. Thời gian gắn kết 2 bên cũng không được lâu do đơn vị VTC khó khăn về kinh phí.
Chủ tịch Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam của khóa 7 đang là ông Hoàng Ngọc Huấn (Tổng giám đốc VTVCab) và trưởng ban tài trợ, tài chính, truyền thông Liên doàn bóng chuyền Việt Nam hiện tại là bà Nguyễn Thị Hoàng Phương (Phó Tổng giám đốc VTVCab).
Ngay khi Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam khóa 7 đã đại hội và bầu ra các chức danh quản lý mới, từng có ý kiến đưa ra về việc trong một tương lai gần thì với tài sản đang rất thu hút khán giả và có thể thu được nguồn lợi là Giải bóng chuyền vô địch quốc gia, thì việc bán bản quyền truyền hình cần tính tới. Để bán được bản quyền truyền hình, không gì ngoài việc Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam phải làm tốt khâu tổ chức và nâng cao chuyên môn giải đấu. Hiện tại, giải bóng chuyền vô địch quốc gia là giải thể thao đầu tiên ở Việt Nam đã lắp và vận hành hệ thống ghi hình ảnh quay chậm hỗ trợ trọng tài điều hành (Video Eyes Challenge). Đây là hệ thống tương tự VAR trong môn bóng đá. Một trong những việc mà ban tổ chức giải V-League sẽ hướng tới khi bán được gói bản quyền truyền hình gần 60 tỉ đồng/năm kia là sẽ trang bị hệ thống máy quay để áp dụng VAR ở Việt Nam tương lai gần.
Nếu công tác tổ chức và chuyên môn giải đấu được nâng lên cao, Liên đoàn bóng chuyền hoàn toàn có thể tự tin với sản phẩm Giải bóng chuyền vô địch quốc gia của mình đủ chất lượng, chào bán tới các nhà đài trong nước về bản quyền.
“Khi Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam giảm được số đội thi đấu vô địch quốc gia còn 8 đội nam, 8 đội nữ thì chúng tôi tin tưởng chất lượng chuyên môn được nâng lên cao. Đồng thời, hình thức tổ chức giải đấu sẽ hướng về thi đấu các ngày cuối tuần nhằm phục vụ khán giả có thời gian xem nhiều hơn sẽ là điều mới trong tương lai...”, ông Lê Trí Trường bày tỏ thêm.
Nói là vậy. Khi bóng đá đã có những sự vận động và cách thực hiện chuyên nghiệp qua từng năm thì bóng chuyền cũng phải vận động hiệu quả hơn với những gì mình đang làm, không thể giậm chân tại chỗ để chờ rồi chỉ biết hy vọng.