Mỗi đội đấu 7 trận tại vòng bảng
Bộ môn bóng chuyền (Cục TDTT) và Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam chính thức ban hành Điều lệ thi đấu giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2025 trong ngày 10-1 tới các đội bóng.
Điều được 8 đội nam, 8 đội nữ tại giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2025 quan tâm nhất là thể thức tranh tài đã có cụ thể là tiếp tiếp tục diễn ra 2 giai đoạn tranh tài như những năm trước. Qua đó, tất cả các đội sẽ thi đấu vòng bảng theo vòng tròn 1 lượt rồi tính điểm xếp hạng từ 1 tới 8. Với số đội bóng hiện tại, mỗi đội nam và mỗi đội nữ giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2025 được thi đấu tổng 7 trận trong vòng bảng. “Kết thúc thi đấu vòng tròn, 4 đội dẫn đầu (từ 1 đến 4) vào dự vòng chung kết; 4 đội xếp hạng từ 5 đến 8 thi đấu vòng tròn tính điểm (số điểm của 4 đội được cộng với số điểm mà 4 đội gặp nhau tại vòng tròn 8 đội để xếp hạng, đội xếp cuối bị xuống hạng A năm 2026”, một trong những quy định của Điều lệ thi đấu được ban hành.
Năm nay, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam chưa áp dụng mô hình thi đấu mùa giải mà vẫn thực hiện tổ chức giải trong 1 năm. Tổng thư ký Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam – ông Lê Trí Trường xác nhận việc tổ chức thực hiện mô hình mùa giải sẽ được xem xét để áp dụng phù hợp nhưng chưa phải thời điểm hiện tại. Giai đoạn thứ nhất giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2025 diễn ra từ ngày 22-3 tới 31-3 còn giai đoạn thứ 2 từ ngày 10-10 tới 19-10.
Quy định chặt hơn về bổ sung cầu thủ
Vấn đề chuyển nhượng, tăng cường hoặc bổ sung cầu thủ vào danh sách thi đấu được quy định chặt chẽ hơn. Lần đầu tiên, điều lệ giải bóng chuyền vô địch quốc gia đã thêm quy định về việc đăng ký, bổ sung thay đổi VĐV là: “Các đội đăng ký bổ sung hoặc thay đổi chức năng VĐV cho giai đoạn thứ 2 bằng văn bản gửi về văn phòng Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng đăng ký bổ sung không quá 3 VĐV ngoài danh sách sơ bộ gửi ở giai đoạn thứ nhất (chỉ áp dụng với VĐV trong nước”. Đây là tính toán kỹ được bộ phận chuyên môn Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam xây dựng nhằm tránh trường hợp các đội bóng thuê, mượn cầu thủ bổ sung cầu thủ có thể gây tranh cãi.
Năm 2025, giải bóng chuyền vô địch quốc gia tiếp tục cho phép các đội được đăng ký ngoại binh trong đội hình. Mỗi đội được đăng ký tối đa 2 ngoại binh nhưng trong mọi thời điểm chỉ 1 ngoại binh được có mặt trên sân.
Trong khi đó, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam tiếp tục đề cao trách nhiệm của HLV, VĐV đối với nghĩa vụ tập trung đội tuyển quốc gia. “VĐV được triệu tập lên đội tuyển quốc gia, tuyển trẻ quốc gia mà không thực hiện theo lệnh triệu tập của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam và Cục TDTT; hoặc câu lạc bộ không cho VĐV tập huấn đội tuyển quốc gia với bất kỳ lý do nào (trừ trường hợp bất khả kháng và có sự đồng ý của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam), Liên đoàn sẽ xem xét không cho VĐV, câu lạc bộ thi đấu tại các vòng đấu, giải đấu chính thức của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam”, thông báo ghi rõ trong Điều lệ giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2025.
Điểm chú ý tại Điều lệ giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2025 vừa ban hành đó là Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam không ghi chi tiết mức thưởng cho giải đấu và phần thưởng cho các đội đạt thành tích. Trong 3 kỳ tổ chức giải vô địch quốc gia trước đó (năm 2022, 2023, 2024), mức thưởng được ghi cụ thể và đội vô địch nam, nữ được quy định nhận 500 triệu đồng/đội.
8 đội nữ dự giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2025 gồm VTV Bình Điền Long An, Hóa chất Đức Giang lào cai, Ninh Bình, Thanh Hóa, Geleximco Thái Bình, Ngân hàng Công thương, Binh chủng Thông tin, TPHCM. 8 đội nam dự giải bóng chuyền vô địch quốc gia là Biên phòng, Sanest Khánh Hòa, Thể Công Tân Cảng, Ninh Bình, Đà Nẵng, Hà Nội, Long An và Công an TPHCM. Giai đoạn thứ nhất giải sẽ tổ chức tại Đông Anh (Hà Nội) còn giai đoạn thứ 2 diễn ra tại Ninh Bình.