
Đề án phải sớm hoàn thiện đi vào thực thi
Cuộc làm việc ngày 4-3 vừa qua được Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Nguyễn Văn Hùng chủ trì. Báo báo về công tác xây dựng các nội dung trong Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026-2046, Cục trưởng Cục TDTT Việt Nam Đặng Hà Việt bày tỏ đây là chương trình quan trọng, mang ý nghĩa thực tiễn để phát triển thành tích của thể thao Việt Nam do đó các bộ phận chuyên môn làm việc kỹ lưỡng, chi tiết nhất.
Trước đó, qua 11 cuộc họp triển khai công tác xây dựng Đề án của Chương trình trên, ngành thể thao đã định hình 17 môn sẽ tập trung đầu tư gồm bơi, điền kinh, bắn súng, TDDC, cử tạ, đấu kiếm, quyền Anh (boxing), taekwondo, xe đạp, cầu lông, bắn cung, judo, vật, đua thuyền (thuộc nhóm Olympic) và wushu, cầu mây, karate (nhóm ASIAD).
Tính thực tiễn của Chương trình vẫn được yêu cầu cao nhất. Các đơn vị chuyên môn là Phòng thể thao thành tích cao 1, 2 (Cục TDTT Việt Nam) tính toán cụ thể sự phát triển từng các môn thể thao ở Việt Nam nhằm có đề xuất 17 môn thể thao đưa vào đầu tư mũi nhọn. Lãnh đạo Bộ VH-TT-DL yêu cầu việc xây dựng Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026-2046 phải đảm bảo tiến độ không chậm trễ. Đây là Chương trình trọng điểm mang tính quyết định của thể thao quốc gia, sau khi hoàn thiện sẽ được Cục TDTT Việt Nam trình lãnh đạo Bộ VH-TT-DL xem xét và lấy ý kiến các Bộ, ban ngành liên quan trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đi tìm tính hiệu quả
Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026-2046 được xây dựng để thể thao thành tích cao Việt Nam định hình vị trí của mình. Để khẳng định trình độ tại châu lục (ASIAD), thế giới (Olympic), chúng ta phải đạt kết quả HCV và có tính ổn định.
Thể thao Việt Nam không đạt được huy chương liên tục qua những lần dự Olympic. Chúng ta bị ngắt quãng thành tích. Tại đấu trường ASIAD, thể thao Việt Nam giành được HCV liên tiếp nhiều kỳ gần đây, tuy nhiên chưa bao giờ chúng ta vượt qua con số 5 HCV.
Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026-2046 nhấn mạnh trực tiếp vào sự đầu tư bài bản để có nguồn lực bền vững (gồm con người, kinh phí). Khi Chương trình được phê duyệt và ban hành, việc thực hiện được kỳ vọng đồng bộ.
Cục trưởng Cục TDTT Việt Nam Đặng Hà Việt đã trao đổi với chia sẻ “Chương trình được tiến hành trên phạm vi toàn quốc. Trong đó, đối tượng của Chương trình là VĐV trẻ, VĐV tiềm năng, tài năng của các đội tuyển trẻ quốc gia và những VĐV trẻ đạt thành tích, VĐV trẻ có quốc tịch Việt Nam hoặc đủ điều kiện nhập tịch được đánh giá có tiềm năng phát triển trong tương lai đang tập luyện tại các Trung tâm HLTTQG, trường năng khiếu thể thao, cơ sở đào tạo thể thao, trung tâm đào tạo huấn luyện thi đấu TDTT của 63 tỉnh, thành cùng 2 ngành Quân đội, Công an Nhân dân”.

Tại Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (tháng 11-2024) và Hội nghị Định hướng phát triển Thể thao thành tích cao đến năm 2030 (tháng 12-2023), nhiều ý kiến của nhà quản lý cùng người làm chuyên môn, đại diện Liên đoàn thể thao cho rằng ngành thể thao phải xác định mục tiêu cụ thể. Từ đó, với nguồn lực đang có, thể thao Việt Nam đầu tư tập trung cho môn thế mạnh có triển vọng đạt kết quả cao ASIAD, Olympic đồng thời bỏ qua tư duy đầu tư dàn trải.
Thực hiện tốt điều đó, các Đề án, Chương trình dành cho thể thao thành tích cao được xây dựng có tính quy hoạch để thực hiện hệ thống và trên hết công tác đánh giá kết quả sau mỗi chu kỳ áp dụng luôn cần thiết.